“Con nhà người ta” là một khái niệm hoàn hảo được các bậc cha mẹ tạo ra để so sánh với chính con cái của mình. Và đây thực sự là một sự “so sánh độc hại”.
Có lần, một người mẹ lặn lội hơn 300 cây số từ đất mũi Cà Mau lên TP Hồ Chí Minh chỉ để đặt câu hỏi về đứa bé 3 tháng tuổi nặng 6kg của chị là bình thường hay bất thường.
Sau một hồi trao đổi mình mới nhận ra rằng chị đã chịu rất nhiều sự tiêu cực từ chính chồng và gia đình khi con chị bị cho so sánh với bé của em chồng nặng 6kg dù mới 1 tháng tuổi.
Chị nói giọng nghẹn ngào “Con nhà người ta cũng bú mẹ như con em nhưng bé trộm vía, còn con em thì…”.
Tôi phải giải thích rất nhiều rằng bé chị 3m nặng 6kg là hoàn toàn bình thường thì chị mới an tâm ra về.
Tôi không biết mọi người thế nào nhưng ngay từ nhỏ, bản thân mình đã luôn bị ba mẹ mang ra so sánh với “con nhà người ta”. Tôi luôn bị ba mẹ so sánh không bằng “con người ta” như học giỏi hơn, thông minh hơn, lễ phép hơn, chăm chỉ hơn…mà hoàn toàn chưa một lần biết mặt mũi “con nhà người ta” như thế nào.
Lớn lên chút, mỗi lần họp phụ huynh về, tôi luôn bị ám ảnh vì trong bữa cơm chắc chắn ba mẹ luôn so sánh mình với những đứa học nhất nhì lớp…
Khi làm bác sĩ rồi, tôi nhận ra những đứa nhỏ còn tội hơn. Ba mẹ chúng so sánh chúng với những đứa khác ngay từ khi vừa lọt lòng. Khi mới sinh, họ hàng ai cũng vào thi nhau hỏi “con nặng bao nhiêu kg? Hay con giống ai? Hay sao nó xấu vậy…” mà ít ai quan tâm “Cuộc sinh có bị kéo dài không? Mẹ mất máu nhiều không” “Mẹ tròn con vuông chứ?” “Sinh ra con được gặp mẹ ngay hay 2 mẹ con bị tách nhau ra?”….
Rồi những đứa nhỏ có lỗi gì mà lại đem chúng so sánh với nhau? Con bà A sinh con tận 4kg trong khi con cháu mình có 2,8kg. Cân nặng lúc sinh chỉ là một yếu tố để làm cột mốc để theo dõi phát triển sau này chứ không phải là yếu tố nói lên đứa bé đó tốt/xấu hay thậm chí phán xét người mẹ ấy tốt/xấu thế nào.
Sự so sánh, phán xét như thế này sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến tâm lsy và sự phát triển của đứa trẻ.
Thứ nhất, khi bạn nói con bạn không bằng một ai đó. Điều này sẽ khiến cho đứa trẻ cảm thấy tổn thương và thua kém. Nếu đứa trẻ hiểu chuyện thì nó sẽ cố gắng, nhưng sự thực thì nếu cố gắng trong cảm giác luôn nghĩ mình thua kém thì hỏi bạn đứa trẻ đó có vô tư cố gắng hay không? Hay lúc nào cũng mang trong lòng sự so sánh và đố kỵ với “con người ta”. Điều này vô tình khiến những đứa trẻ khi bước ra ngoài xã hội luôn tìm những người “giỏi hơn, tốt hơn” để ganh đua, để tìm cách vượt qua. Và tệ hơn nữa thì chúng có thể dùng thủ đoạn chỉ để được khen là giỏi hơn đứa trẻ khác.
Thứ hai, khi nói con bạn không bằng một ai đó. Điều này hoàn toàn không giúp gì đứa trẻ vì khái niệm “con nhà người ta rất mơ hồ” và khiến những đứa trẻ kiểu mất phương hướng. Chúng sẽ không biết phải làm gì để giỏi hơn hay tốt hơn và rơi vào bế tắc. Thay vì dạy con rằng con cần quản lý thời gian tốt hơn, con cần sống kỷ luật hơn, con hãy ra ngoài và chạy bộ 30 phút…thì chúng ta chỉ có thể nói rằng con sống vô kỷ luật, trách con lười biếng….và hoàn toàn không truyền cho chúng một chút năng lượng tích cực nào để thay đổi bản thân.
Khi những đứa trẻ còn nhỏ, chúng bị kéo vào cuộc đua cân nặng của các bố mẹ với nhau mà hoàn toàn không biết rằng mỗi đứa trẻ có tốc độ phát triển khác nhau, chỉ cần tốc độ tăng cân trong chuẩn sinh lý là đạt rồi. Ví dụ bé tăng 0.5kg mỗi tháng không có nghĩa là xấu hơn trẻ tăng 1kg mỗi tháng vì ngưỡng 0.5kg đã là rất sinh lý rồi.
Khi những đứa trẻ lớn lên, chúng bị kéo vào cuộc đua thành tích học tập với cách học thêm nhồi nhét, với sự so sánh độc hại con với những bạn cùng lớp… mà chưa bao giờ ba mẹ quan tâm rằng con thích Toán hay thích Văn, con thích Lý hay thích Ngoại ngữ…
“Cá và khỉ cùng thi bơi thì chắc chắn khỉ sẽ thua nhưng điều đó không có nghĩa là khỉ là kẻ thất bại trong cuộc sống này”. Con cái chúng ta đang bị tạo ra những áp lực vô hình bởi khái niệm hoàn hảo “con nhà người ta” – một sự so sánh độc hại và áp lực tiêu cực lên con cái.
Cuối cùng, nếu một ngày con bạn khi quá mệt mỏi với cuộc sống ngoài kia và trở về nhà sẵng sàng cãi nhau với bạn và nói “Ba mẹ không phải ba mẹ nhà người ta thì đừng bao giờ bắt con phải giỏi như con nhà người ta”, bạn sẽ trả lời thế nào?
1 cái tát
1 trận đòn
….dù là gì thì …việc dạy con cái của bạn đã thất bại!
Con cái là món quà của ông trời, dù bằng cách này hay cách khác, chúng ta cần trân trọng và giúp con có cuộc sống ý nghĩa hơn. Xin dừng việc so sánh tiêu cực con cái mình với những đứa trẻ khác. Xin hãy lắng nghe con, xin hãy quan tâm đến sở thích, suy nghĩ và tâm tư của con. Hãy động viên con giỏi hơn mỗi ngày chứ đừng ép con giỏi hơn khái niệm “con người ta” do chính chúng ta vẽ ra. Chúng ta đã quá mệt mỏi với cuộc sống này rồi đúng không? Vậy tại sao chúng ta lại tiếp tục truyền điều tiêu cực đó lên con cái mình nữa? Bạn muốn con sống một đời Bình An hay sống một đời như bạn đã từng?
Chúng ta vốn dĩ không phải “ba mẹ nhà người ta” nên đừng ép con mình thành “con nhà người ta”! Bản thân chúng ta cũng phải trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, phải nỗ lực mỗi ngày để trở thành ba mẹ tốt hơn.
Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được biên tập và tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung nào liên quan tới bản quyền tác giả, vui lòng gửi E-mail tới: singlemomvietnam@gmail.com. Chân thành cảm ơn!