Cách đặt tên đường ở Hà Nội có thể bạn chưa biết?

1561 lượt xem

Nhớ đường Hà Nội như nhớ Sử, nhớ Sử là nhớ được đường Hà Nội

Là một người con đang sống và làm việc trên mảnh đất Hà Nội “ngàn năm văn hiến”, chắc hẳn bạn đã từng lang thang khắp các phố phường Hà Nội, hay lượn lờ Hồ Gươm mỗi dịp cuối tuần. Có những tuyến đường đã quen mặt thuộc tên, có tuyến đường đã đi mòn mọi ngóc ngách. Thế nhưng, có bao giờ bạn tự hỏi vì sao những con đường này lại được đặt với cái tên như vậy?

Cách đặt tên đường ở Hà Nội có thể bạn chưa biết?
Tên đường không hề được đặt một cách ngẫu nhiên mà hoàn toàn là sự sắp xếp đầy ẩn ý của cụ Trần Văn Lai, vừa dễ nhớ lại vừa mang giá trị lịch sử

Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, bác sĩ Trần Văn Lai lên nhậm chức Đốc lý Hà Nội. Mặc dù nhiệm kỳ của cụ Lai kéo dài chỉ chưa đầy 1 tháng, thế nhưng cũng đủ để cụ đổi tên cho các tuyến phố Hà thành – những cái tên vẫn còn được sử dụng mãi cho đến ngày nay. Điều tuyệt vời ở chỗ, những tên gọi này không hề được đặt một cách ngẫu nhiên mà hoàn toàn là sự sắp xếp đầy ẩn ý của cụ Trần Văn Lai, vừa dễ nhớ lại vừa mang giá trị lịch sử.

Có thể nói, cụ Lai chính là người đã đặt nền móng cho việc quy hoạch tên gọi các tuyến phố Hà Thành, để đến mãi sau này, khi đặt tên các tuyến phố mới, người ta vẫn noi theo những quy tắc đó của cụ.

Quy tắc đặt tên đường của cụ Trần Văn Lai

Dưới đây, là quy tắc đặt tên đường thú vị theo từng cụm của cụ Trần Văn Lai

Cụm 1: Cụm “truyền thuyết – cổ đại”

Cụm này là 4 tuyến đường bao quanh Hồ Tây với tên gọi gắn liền với 4 nhân vật trong truyền thuyết cổ đại Việt Nam là: đường Lạc Long Quân, An Dương Vương, Hùng Vương và Âu Cơ.

Quy tắc đặt tên đường của cụ Trần Văn Lai
Cụm “truyền thuyết – cổ đại” gắn liền với truyền thuyết Lạc Long Quân, An Dương Vương, Hùng Vương, Âu Cơ

Cụm 2: Cụm “chống Bắc thuộc”

Cụm “chống Bắc thuộc” hay còn gọi là cụm quanh Hồ Gươm – các tuyến đường được đặt tên theo các danh nhân trong thời kỳ chống Bắc thuộc.

Khu vực phía dưới Hồ Gươm có phố Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Phía Nam Bà Triệu song song với Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương. Phía Bắc Bà Triệu là các đường Lý Nam Đế, Triệu Quốc Đạt, Phùng Hưng. Xa hơn một chút là đường Khúc Hạo (do cách một đoạn thành Hà Nội nên được đặt theo tên danh nhân khác).

Đón đọc thêm  Bé trai 13 tuổi vượt 200km bằng xe đạp đi tìm bạn gái “con đòi 160 ngàn cho bạn vay”

Phía dưới Bà Triệu cắt với đường Lê Đại Hành. Hai đầu Lê Đại Hành là đường Hoa Lư và Đại Cồ Việt. Sở dĩ như vậy là bởi Lê Đại Hành là vị vua thời Tiền Lê nước ta với kinh đô Hoa Lư và nước Đại Cồ Việt.

Phía đông Hồ Gươm là phố Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền. Những phố này mang tên 3 vị vua có công lớn trong thời kì đầu của độc lập tự chủ nước ta.

Quy tắc đặt tên đường của cụ Trần Văn Lai
Phía đông Hồ Gươm là phố Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền

Gần ngã 6 Tràng Tiền, giao với Lý Thái Tổ là đường Tông Đản, Lý Đạo Thành, Lê Phụng Hiểu và Lý Thường Kiệt.

Tiếp đến là phố Lý Quốc Sư – một danh nhân thời Lý với đền Lý Quốc Sư nổi tiếng.

Ngoài ra, Khúc Thừa Dụ và Dương Đình Nghệ cũng là hai tuyến đường được đặt tên theo danh nhân thời kì chống đô hộ phía Bắc, nhưng mãi đến sau này mới được đặt tên do quận Cầu Giấy được thành lập sau.

Cụm 3: Cụm “nhà Trần”

Ở cụm này, cụ Trần Văn Lai lấy đường Trần Hưng Đạo làm mốc, xung quanh là các tuyến đường Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng, Dã Tượng, Yết Kiêu. Giao với Yết Kiêu là đường Đỗ Hành.

Cụm 3: Cụm “nhà Trần”
Cụm 3: Cụm “nhà Trần” với Trần Quốc Toản và Trần Đình Trọng

Đoạn cuối đường Trần Hưng Đạo, khu vực gần bờ đê có phố Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Tây Kết, Vạn Kiếp, Vân Đồn, Bạch Đằng. Những tuyến phố này được đặt tên theo các danh nhân trong hai cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần 2 và 3 của nhà Trần với các địa danh nổi tiếng gắn liền hai cuộc kháng chiến.

Có thể nói, đây là cụm mà đường phố được đặt tên có dụng ý nhất, khi mà Trần Hưng Đạo cuối đời về Vạn Kiếp, tướng Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái gắn với chiến công Tây Kết – Hàm Tử, tướng Trần Khánh Dư gắn với chiến công Vân Đồn, Trần Quang Khải gắn với chiến công Chương Dương Độ.

Cụm nhà Trần
cuối đường Trần Hưng Đạo, khu vực gần bờ đê có phố Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Tây Kết, Vạn Kiếp, Vân Đồn, Bạch Đằng

Cắt Trần Hưng Đạo là hai đường Lê Văn Hưu, Hàn Thuyên nối thẳng nhau. Đây là tên 2 danh sĩ nổi tiếng ở đời nhà Trần. Giao với phía Nam Nguyễn Khoái là đường Trần Khát Chân. Đây là tên danh tướng chống Chiêm Thành cuối đời Trần.

Riêng 2 tuyến phố Trần Thái Tông, Trần Thủ Độ mãi đến sau này mới được đặt tên nên hai phố này không thuộc cụm “nhà Trần”.

Phố Trần Thái Tông, Trần Thủ Độ
Trần Thái Tông, Trần Thủ Độ đặt tên sau nên không thuộc cụm nhà Trần

Cụm 4: Cụm “khởi nghĩa chống giặc Minh”

Gần hồ Trúc Bạch là các tuyến đường Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Biểu và Đặng Dung. Xưa, Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân cùng nhau khởi nghĩa, tôn Trần Ngỗi lên làm minh chủ chống giặc Minh. Khi Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân chết, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị lại tôn Trần Quý Khoáng lên tiếp tục khởi nghĩa. Về Nguyễn Biểu, ông từng làm quan nhà Trần, sau này theo phò Trần Quý Khoáng chống giặc Minh. Về sau cũng có phố mang tên Nguyễn Cảnh Dị tuy nhiên lại nằm khá xa đoạn này.

Đón đọc thêm  Sầu riêng Ri6 - Tự hào trái cây đặc sản nước mình

Cụm 5: Cụm “nhà Lê”

Chạy về phía Tây Hồ Gươm là đường Lê Thái Tổ – cái tên gắn liền với sự tích trả gươm hồ Hoàn Kiếm.

Cụm 5: Cụm “nhà Lê”
Phía Tây Hồ Gươm là đường Lê Thái Tổ với sự tích trả gươm Hồ Hoàn Kiếm

Xung quanh là các phố: Đinh Liệt, Đinh Lễ, Lê Lai, Lê Thạch, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Xí. Đây là tên các tướng nổi tiếng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh của Lê Thái Tổ. Gần Lê Thái Tổ có đường Lê Thánh Tông.

Cụm 6: Cụm “Tây Sơn”

Được hình thành sau, cụm “ Tây Sơn” được hình thành xen kẽ với cụm “chống Bắc thuộc”. Trong đó, có những con phố chạy song song như: Lê Ngọc Hân, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Quang Trung, Bùi Thị Xuân, Phan Huy Chú. Đây đều là những nhân vật nổi tiếng, có đóng góp to lớn ở triều đại Tây Sơn.

Ngoài ra, cụm này cũng có một số phố khác ở xung quanh gò Đống Đa và tượng đài Quang Trung như: đường Trần Quang Diệu, Tây Sơn, Đặng Tiến Đông.

Cụm 7: cụm “Chống Pháp thời Nguyễn Cần Vương”

Quanh di tích thành Hà Nội là 2 tuyến đường Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương. Đây là hai tuyến đường được đặt tên theo tên của 2 vị quan nhà Nguyễn đã thủ thành Hà Nội trong hai lần Pháp đưa quân đánh ra Bắc.

Tại khu vực Ba Đình, gần phố cổ có: đường Tôn Thất Thiệp, Tôn Thất Đảm, Cao Thắng, Tống Duy Tân, Phan Đình Phùng, Tạ Hiện, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Quang Bích, Đốc Ngữ, Lê Trực. Đây đều là những nhân vật khởi nghĩa tiêu biểu, hưởng ứng trong phong trào “Cần Vương”, giúp vua Hàm Nghi chống Pháp. Bản thân cái tên quận Ba Đình cũng bắt nguồn từ tên cuộc khởi nghĩa ở thời kỳ này.

cụm “Chống Pháp thời Nguyễn Cần Vương”
Đường Phan Đình Phùng lãng mạn nằm ở khu vực cụm “Chống Pháp thời Nguyễn Cần Vương”

Tuy nhiên, 2 người khởi xướng phong trào “Cần Vương” là vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết mãi sau này mới được sử dụng để đặt tên đường nên ở phía khác.

Cụm 8: cụm “bạo động chống Pháp”

Nằm gần cụm “Cần Vương” là cụm “bạo động chống Pháp”. Các tuyến đường thuộc cụm này gồm: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, Đội Nhân. Đây đều là tên các lãnh đạo trong những cuộc bạo động chống Pháp nổi lên sau giai đoạn Cần Vương.

Đón đọc thêm  Những ngã rẽ của "đào" nhậu thuê

Ngoài ra, cụm này còn có ngõ Yên Thế được lấy tên từ tên khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám.

Cụm 9: cụm “Trí thức Ái quốc”

Cụm “trí thức ái quốc” bào gồm các tuyến đường được đặt tên theo tên các trí thức người Việt thời Pháp thuộc nổi tiếng như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến, Đặng Thái Thân, Ấu Triệu.

cụm “Trí thức Ái quốc”
Phố Phan Bội Châu nằm trong cụm “Trí thức Ái quốc”

Trong đó, phố Lương Văn Can được mang tên một trong những người khởi xướng Đông Kinh Nghĩa Thục và có cả Quảng trường cùng tên ngay trên phố.

Cụm 10: Cụm “Văn học, Giáo dục”

Cụm “Văn học, Giáo dục” nổi bật với Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm trên hai phố Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Ở cụm này là các tuyến phố được đặt tên theo các nhà giáo dục, sử học như: Chu Văn An, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Như Đổ, Phan Phu Tiên.

Những người đặt tên sau đó cũng noi theo quy tắc trên để đặt cho một số cụm như

– Tiền cách mạng tháng 8:

Gần quảng trường Ba Đình là các đường Bắc Sơn (khởi nghĩa), Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ. Đây là những người có đóng góp to lớn cho thành công của cách mạng tháng 8 sau này.

– Cụm “xây dựng VNDCCH”:

Các phố mang tên các danh nhân y khoa như Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Tích Trí quanh quanh khu vực ĐH Y – Bạch Mai. Tên các nhà khoa học tự nhiên, xã hội cũng như kỹ sư như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Lương Định Của, … ở quanh khu vực ĐH Bách Khoa.

Cụm “xây dựng VNDCCH”:
Cụm “xây dựng VNDCCH” gồm tên các kĩ sư, danh nhân, y sư…

– Cụm “nhà văn”:

Quận Đống Đa – Thanh Xuân, khu vực Láng là các đường phố mang tên nhà văn như: Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng,…

– Cụm “tướng quân đội”:

Ở Trường Chinh có doanh trại quân đội, xung quanh là các phố mang tên các tướng nổi tiếng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ: Vương Thừa Vũ, Nguyễn Ngọc Nại, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái…

Và còn rất nhiều người có công với Cách Mạng, Đảng/ Nhà nước được đặt tên cho đường phố gần nhau nữa như Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Thanh Nghị, …

Nguồn: Giang Trường

Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được biên tập và tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung nào liên quan tới bản quyền tác giả, vui lòng gửi E-mail tới: singlemomvietnam@gmail.com. Chân thành cảm ơn!