Con ngủ không đủ giấc thường quấy khóc, tỉnh giấc giữa đêm, đòi ti mẹ mới chịu ngủ hay thậm chí là phải bế vác. Những điều này luôn khiến các mẹ chưa nhiều kinh nghiệm chăm sóc con cảm thấy mệt mỏi và khổ sở mỗi khi cho con đi ngủ. Nếu bé nhà mẹ đang gặp phải một trong các vấn đề trên, ngoài việc tìm hiểu nguyên nhân thì mẹ có thể áp dụng các cách sau sao cho hợp lý với đặc điểm giấc ngủ của trẻ.
Sau đây các mẹ cùng chúng tôi tìm hiểu 9 mẹo để mẹ không phải dỗ con ngủ là gì nhé.
Chuẩn bị không gian phù hợp cho giấc ngủ của con
Trẻ cần được tập các thói quen ngủ ngay từ khi chào đời. Trình tự các bước cũng như không gian nơi ngủ sẽ giúp con hiểu được điều này. Vì thế mẹ cần lưu ý những điều sau:
– Trước khi con đi ngủ 30 phút, mẹ cần giảm dần ánh sáng. Tốt nhất là để đèn thật mờ, màu vàng.
– Tạo không gian yên tĩnh, không điện thoại, ti vi hay bất kỳ thiết bị điện tử nào ở nơi ngủ của con.
– Tạo cho con các hoạt động theo một trình tự nhất định để con biết đã đến giờ đi ngủ như: tắm nước ấm, lau người, ăn sữa, đọc sách, mát xa và đi ngủ.
Cách này cần thực hiện liên tiếp từ 6-7 tuần và càng tạo thành nếp sớm bao nhiêu, bé sẽ tự mình đi vào giấc ngủ dễ dàng bấy nhiêu.
Tập cho bé tự ngủ từ những tháng đầu đời
Sau khi rèn cho con có được chuỗi thói quen để đi vào giấc ngủ, kết hợp nhận biết dấu hiệu khi nào con buồn ngủ, mẹ nên đưa bé vào giường cũi để con tự ngủ mà không cần bế hay ru ẵm lâu.
Chỉ cần đặt trẻ xuống chỗ ngủ, vỗ mông hoặc cho bé một thú bông mềm, nhỏ để con được trấn an. Nếu tập liên tục và thường xuyên, bé sẽ ngủ dễ dàng hơn mà không cần mè nheo, khóc lóc.
Mẹ nhớ tránh cho bé thói quen ti để ngủ
Mẹ chăm bé thường dễ mệt nên chọn giải pháp đơn giản là mẹ nằm cho con ti rồi để bé ngủ luôn. Ban đầu khi bé còn nhỏ, cách này có thể hiệu quả. Nhưng lâu dần con sẽ học được rằng ti của mẹ là để trấn an và giúp con ngủ ngon. Sau đó tiến tới, chỉ cần mẹ rút ti ra là bé sẽ khóc ré lên và không tự ngủ được nữa.
Do đó, để giúp con tự ngủ mà mẹ cũng có thời gian nghỉ ngơi, mẹ cần ngồi dậy khi cho con bú. Nếu bé thiếp đi trong lúc ti hãy dùng khăn lau mặt, giúp bé tỉnh táo lại. Đợi kết thúc bữa sữa, mẹ cố giữ cho con không buồn ngủ thêm một lát nữa rồi hãy cho con đi ngủ. Như vậy bé sẽ hiểu được là ăn và ngủ là 2 thời điểm khác nhau.
Đừng để bé đi ngủ khuya
Trẻ trong năm đầu đời cần được dậy sớm và ngủ tối sớm. Nếp sinh hoạt này thuận với đồng hồ sinh học tự nhiên trong cơ thể con. Do đó, tầm 6 giờ chiều là mẹ nên chuẩn bị cho bé uống cữ sữa cuối cùng và thực hiện chuỗi thói quen đi ngủ. Bé đi ngủ sớm thì sẽ ngủ được giấc dài, ít tỉnh giấc về đêm và vui vẻ vào buổi sáng.
Giảm dần số bữa sữa vào buổi đêm
Bé thức giấc đêm khuya chưa hẳn là đã đói. Trẻ có chu kỳ ngủ 1 tiếng lại chuyển giấc một lần. Khoảng thời gian chuyển giấc bé sẽ cựa mình hoặc khóc. Lúc này mẹ nên chờ đợi chứ đừng vội cho con ngủ ngay. Dần dần con sẽ học được cách nối giấc dài hơn, nhờ vậy mà mẹ không cần dỗ con ngủ mệt mỏi về đêm nữa.
Buổi sáng nên cho bé tiếp xúc nhiều với ánh nắng dịu
Khoảng thời gian sáng sớm, nếu bé được đi dạo và tắm nắng thì cơ thể sẽ sản sinh ra hóc môn Melatonin, giúp con dễ buồn ngủ hơn về đêm.
Con ngủ đêm tốt cũng cần ngủ đủ giấc ngày
Nhiều mẹ thấy bé khó ngủ về đêm, hay quấy khóc thì cố giữ cho con ngủ thật ít vào ban ngày. Nhưng trên thực tế nếu con ngủ không đủ giấc ngày thì cơ thể con càng bị căng thẳng và bé sẽ khó ngủ hơn.
Vì thế mẹ cần nắm vững lịch sinh hoạt của trẻ trong năm đầu đời, điều chỉnh giờ thức giờ ngủ vào ban ngày cho hợp lý thì ban đêm con sẽ ngủ được ngon hơn.
Mẹ cần đảm bảo có con một giấc ngủ tử tế trên giường
Nếu con đã quá buồn ngủ, trẻ có thể ngủ gục ngay trên vai mẹ, trong xe đẩy hay trên ghế phòng khách. Nhưng mẹ nên tập cho bé thói quen ngủ trên giường và không gian yên tĩnh ít nhất là 1 giấc trong ngày và đặc biệt là giấc đêm của trẻ. Từ đó con sẽ có nếp ngủ lành mạnh và lâu hơn.
Thời gian tập ngủ cho con rất quan trọng và phải nhất quán
Có hàng trăm phương pháp để giúp bé ngon giấc mà mẹ không phải dỗ con ngủ. Điều quan trọng là mẹ cần chọn một cách phù hợp nhất với con. Sau đó tập trung vào thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định chứ không nên tùy tiện thay đổi. Điều này làm trẻ bị phân vân và không đủ thời gian để thích nghi.
Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được biên tập và tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung nào liên quan tới bản quyền tác giả, vui lòng gửi E-mail tới: singlemomvietnam@gmail.com. Chân thành cảm ơn!